banner

Chính Phủ khuyến khích Doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa

Chính Phủ khuyến khích Doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa

Với thực trạng 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nhựa Việt Nam vẫn phải nhập khẩu, Chính Phủ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ để tái chế rác thải nhựa nhằm giảm thiểu nhập khẩu phế liệu.

Ngành nhựa Việt Nam cần tập trung đầu tư tái chế nhựa

Chính Phủ đang không ngừng khuyến khích các DN hoạt động trong ngành nhựa Việt Nam đầu tư hơn về công nghệ để tái chế rác thải nhựa. Điều này có thể giúp hạn chế tình trạng nhập khẩu phế liệu và xử lý tốt nguồn thải nhựa trong nước bởi lẽ dù ngành nhựa tăng trưởng 15% – 20%/năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành này.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho hay dư địa tăng trưởng của ngành nhựa Việt Nam còn rất lớn cả về xuất khẩu lẫn tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, nhiều đơn vị sản xuất nhựa tại Việt Nam hầu hết phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu vì nền công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam chưa phát triển. Theo đề xuất của ông Lam, Chính phủ cần tập trung thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm tái chế, tạo ra thói quen sử dụng và phân loại đầu nguồn để có thể tận dụng hiệu quả nguồn phế liệu trong nước.

Bên cạnh đó, cần thiết phải có các giải pháp công nghệ – kỹ thuật thân thiện môi trường trong tái chế tái sử dụng, hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy dùng trong đời sống. Riêng Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng khuyến khích các DN tái chế nhựa phải dành ưu tiên hàng đầu cho việc sử dụng các chất thải nhựa phát sinh ở trong nước.

Cần giảm thiếu chất thải nhựa túi ni lông

Chính phủ trong những năm qua đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để tái chế chất thải. Nếu đẩy mạnh tái chế nhựa trong nước, chúng ta có thể đáp ứng được 50% nguyên liệu cho ngành sản xuất nhựa.

PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết để giảm thiểu chất thải nhựa, đặc biệt là túi ni lông sử dụng một lần ra môi trường, Việt Nam cần hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý, kiểm soát loại chất thải túi ni lông khó phân hủy. Đồng thời, phải có cơ chế chính sách về công cụ thuế để hạn chế sử dụng loại túi ni lông dùng một lần, cũng như khuyến khích sản xuất loại túi ni lông thân thiện với môi trường và các sản phẩm thay thế ưu việt khác. Theo ông Chinh, năng lực sản xuất loại túi ni lông thân thiện môi trường ở nước ta được đánh giá là có khả năng với công nghệ trong nước, tuy nhiên dù đã đưa ra thị trường nhưng chưa cạnh tranh được về giá cả với các loại túi ni lông khó phân hủy đang thông dụng hiện nay.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, ưu tiên hàng đầu trong chính sách quản lý môi trường tại Việt Nam hiện này là việc tái chế, tái sử dụng chất thải nói chung và tái chế chất thải nhựa nói riêng. Bên cạnh các cơ hội về những chính sách khuyến khích của Chính phủ và nhu cầu nguyên liệu của ngành sản xuất nhựa cho các DN, một số thách thức cho họ sẽ là việc đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường thông qua việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại và việc chấp hành các quy định của pháp luật môi trường.

Source: vpas.vn